Friday, 03/05/2024 - 20:49|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Đồng Tiến

TRƯỜNG THCS ĐỒNG TIẾN BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM, HỌC SINH

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Phân tích các số liệu trẻ em bị bạo hành được cập nhật qua tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (trong 2 năm 2017, 2018) cũng ghi nhận hơn 59% đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em là người quen, hàng xóm, 21; 12% đối tượng là người thân; giáo viên, nhân viên nhà trường chiếm hơn 6%; các đối tượng khác gần 14%.

I. Một số đặc điểm của tội phạm xâm hại, bạo lực trẻ em

Thứ nhất, tình hình tội phạm xâm hại, bạo lực trẻ em có xu hướng gia tăng theo từng năm. Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng các vụ án liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em trong thời gian qua đều có xu hướng tăng.

Thứ hai, các tội xâm hại, bạo lực trẻ em xảy ra phổ biến gồm: Hiếp dâm trẻ em (Điều 112), Cưỡng dâm trẻ em (Điều 114), Giao cấu với trẻ em (Điều 115) và Dâm ô đối với trẻ em (Điều 116). Cá biệt, một số địa phương có đường biên giới giáp gianh với một số quốc gia láng giềng, Tội phạm mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120) nhằm mục đích bóc lột tình dục cũng có chiều hướng gia tăng.

Thứ ba, tỷ lệ tội phạm xâm hại, bạo lực trẻ em ở các địa phương có điều kiện phát triển du lịch cao hơn ở các địa phương ít có điều kiện phát triển du lịch, một số tội phạm là người du lịch, có một số lượng người phạm tội là người nước ngoài đến Việt Nam để tham quan, du lịch, dạy tiếng Anh.

Thứ tư, nạn nhân của tội phạm xâm hại, bạo lực trẻ em chủ yếu thuộc nhóm đối tượng ít có khả năng tự bảo vệ. Nạn nhân của các tội phạm xâm hại, bạo lực trẻ em là những trẻ em thuộc tất cả các lứa tuổi khác nhau, có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thiếu sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ của người lớn. Nhiều nạn nhân trong các vụ án xâm hại, bạo lực trẻ em chỉ mới 3, 4 tuổi, hoàn toàn không có khả năng nhận biết về những hành vi đồi bại mà các em đang phải hứng chịu do chính người thân của mình gây ra.

Thứ năm, đối tượng thực hiện tội phạm xâm hại, bạo lực trẻ em đa phần còn rất trẻ và chúng thường có mối quan hệ quen biết, thậm chí có quan hệ thân thích với nạn nhân như cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ, cậu hiếp dâm cháu ruột…

Thứ sáu, hậu quả do các tội phạm xâm hại, bạo lực trẻ em gây ra hết sức nặng nề và nghiêm trọng. Không chỉ bị xâm hại, bạo lực, gây đau đớn, thương tật về thể xác, tính mạng bị đe dọa, mà tinh thần các em cũng bị tổn hại nặng nề, gây hoang mang, bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh và trật tự xã hội tại địa phương. Theo khảo sát của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, có đến 60% trẻ em sau khi bị xâm hại, bạo lực đều trở nên không bình thường, luôn mặc cảm, lo sợ, nghi ngờ, xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân trong thời gian dài.

II. Một số nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tội phạm xâm hại, bạo lực trẻ em

Thứ nhất, do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em. Từ đó, dẫn tới các em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại.

Thứ hai, do sự phân hóa giầu nghèo với những chênh lệch về điều kiện sống trong thời kỳ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, những rạn vỡ trong gia đình và sự xói mòn những giá trị truyền thống đã dẫn tới con số trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng, bị lạm dụng và bóc lột ngày càng tăng. Trẻ em bị xâm hại thường xảy ra nhiều ở nơi có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê, khu vực có đông người lao động nghèo và địa bàn vắng, hay gần đây là gia tăng đối với vùng nông thôn, bên cạnh thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được báo cáo đến cơ quan chức năng điều tra thường được phát hiện chậm dẫn đến thu thập chứng cứ khó khăn, đối tượng không nhận tội hoặc bỏ trốn.

Thứ ba, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng; số người thực hiện được nghiệp vụ truyền thông, tư vấn còn hạn chế nên chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao; Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ chưa được rộng rãi, thường xuyên.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tuy có nhiệt tình nhưng chế độ tiền lương của Nhà nước trả cho họ hiện tại vẫn chưa hợp lý.

Thứ năm, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự du nhập của lối sống thực dụng, sa đọa từ các nước phương Tây; quá coi trọng giá trị đồng tiền, tác động của phim ảnh bạo lực khiêu dâm, tình trạng ly hôn, ly thân... cũng dẫn đến các sang chấn tâm lý, hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn.

Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt; công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân; một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm, nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng này.

III. Một số biện pháp phòng ngừa tội phạm xâm hại, bạo lực trẻ em

Một là, các địa phương cần thực hiện tốt luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em theo Quyết định số 267 ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó.

Chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Cần phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là một yêu cầu bức thiết hiện nay.

Ba là, các cơ quan chức năng cần khảo sát và thống kê số lượng trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để có biện pháp hỗ trợ vật chất, ổn định tâm lý, học văn hóa và học nghề cho trẻ và trên cơ sở đó thực hiện tốt Chương trình bảo vệ trẻ em. Các cơ quan, tổ chức đoàn thể xã hội có trách nhiệm trong việc bảo vệ và giáo dục trẻ em cần làm tốt công tác phòng ngừa. Vì điều đó sẽ làm giảm thiểu được rất nhiều nguy cơ xảy ra các hành vi xâm hại trẻ em.

Bốn là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm bạo lực, xâm hại gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Cố gắng chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Vì trẻ em hiện nay dậy thì sớm và yêu sớm. Tránh bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con, phải biết kiềm chế khi gặp phản ứng trước những căng thẳng khó kiểm soát của con. Cha mẹ luôn cố lắng nghe con nói, hiểu ngôn ngữ của con theo nhóm tuổi, trẻ em càng nhỏ càng khó giải thích nỗi đau. Không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác.

Năm là, nhà trường cần tổ chức nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho học sinh thường xuyên. Thầy cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, cần lắng nghe và quan tâm đến học sinh yếu kém, ít chơi đùa cùng bạn. Thầy cô cần sẵn sàng nói chuyện, trao đổi riêng về tình bạn, tình yêu với học sinh…

Sáu là, lực lượng Công an cơ sở cần tổ chức rà soát, phân loại số trẻ em lang thang có nguy cơ cao bị bạo lực, xâm hại để phối hợp với các lực lượng bảo vệ, chăm sóc trẻ em và hội phụ nữ để đưa trẻ em về đoàn tụ với gia đình, giúp đỡ, tư vấn pháp lý, tâm lý cho các em và gia đình.

 

 

       BGH duyệt bài                                                     Người tuyên truyền

 

 

      Hoàng Thị Loan                                                      Lê Thị Bích Lộc

 

Tác giả: Lê Thị Bích Lộc
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 29
Hôm qua : 42
Tháng 05 : 85
Năm 2024 : 3.212