Saturday, 27/04/2024 - 18:20|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Đồng Tiến

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ CÁCH SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ BỎNG VÀ BỊ ĐIỆN GIẬT

I. Cách sơ cứu nạn nhân khi bị bỏng

1.Cách sơ cứu khi bị bỏng: Cấp cứu ngay lập tức khi bỏng nặng

Việc đầu tiên bạn cần làm là thoát ra khỏi nơi gây bỏng để tránh bị bỏng nặng hơn:

2. Cách sơ cứu bỏng do hỏa hoạn

Gặp cháy lớn, bạn có thể dập tắt đám cháy bằng cách dùng chăn nhúng nước phủ lên ngọn lửa hay đổ cát vào lửa… Nếu bạn bị lửa bắt vào quần áo thì hãy lăn tròn dưới đất để dập tắt ngọn lửa.

Sẽ có 3 cấp độ bỏng bao gồm:

Cấp độ 1: Bỏng ngoài bề mặt

Với cấp độ này, bạn chỉ bị đỏ mặt ngoài của da, khiến da đau nhức, khó chịu. Cách sơ cứu bỏng do hỏa hoạn này vô cùng đơn giản: bạn cho vùng bị bỏng vào nước mát, sạch ngâm khoảng 15-20 phút. Sau đó bạn thấm nhẹ vết bỏng bằng khăn sạch cho khô rồi dùng băng gạc sạch băng lại.

Cấp độ 2: Một phần da bị bỏng

Ở cấp độ này, lớp biểu bì và một phần lớp chân bì da sẽ bị tổn thương, hình thành các túi nước phình lên. Khi túi nước này vỡ, vết thương sẽ vô cùng đau rát. Cách sơ cứu bỏng do hỏa hoạn này là bạn ngâm vết bỏng vào nước mát, sạch hoặc để dưới vòi nước chảy nhẹ. Sau đó bạn băng vết thương cẩn thận để tránh bụi rồi đến cơ sở y tế gần nhất.

Cấp độ 3: Tổn thương toàn bộ lớp da dưới biểu bì

Đây là cấp độ cực kỳ nghiêm trọng. Toàn bộ lớp biểu bì, lớp bì và lớp mỡ dưới da bị tổn thương. Da sẽ cứng và xám. Cách sơ cứu bỏng do hỏa hoạn này là bạn ngâm vết thương vào nước khoảng 15-20 phút. Bạn có thể dùng miếng gạc lạnh đắp lên nếu có. Sau đó phải đi cấp cứu ngay lập tức.

3. Cách sơ cứu khi bị bỏng nước sôi

- Bạn nhanh chóng cho vết bỏng vào nước mát, sạch trong 10–20 phút. Chú ý không sử dụng đá và không xối nước quá mạnh kẻo sẽ làm bong da, khiến vết thương nặng hơn.

- Cách sơ cứu khi bị bỏng nước sôi này sẽ giúp vết thương giảm cảm giác đau, sưng tấy, đồng thời ngăn ngừa vết bỏng không ăn sâu tiếp vào trong. Sau đó bạn dùng gạc sạch được vô khuẩn hoặc miếng vải nhỏ sạch để băng vùng da bị bỏng. Việc này ngăn vết bỏng tiếp xúc với bụi bẩn.

- Nếu vết bỏng nhỏ và nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà. Với vết bỏng nặng và lớn, cách sơ cứu khi bị bỏng nước sôi là sau khi ngâm nước cho dịu, bạn nhanh chóng đến trung tâm y tế gần nhất để điều trị.

4. Các sơ cứu bỏng do nguồn điện

Sau khi người bỏng đã được tách ra khỏi nguồn điện, bạn hãy kiểm tra hơi thở và nhịp tim của nạn nhân. Nếu người đó không thở hoặc tim không đập, bạn cần thực hiện hô hấp nhân tạo cùng thủ thuật hồi sức tim phổi và gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức.

Song song đó, bạn cũng cần kiểm tra vết bỏng điện. Nếu vết bỏng khiến quần áo bị dính vào da, bạn không được gỡ quần áo trên da nạn nhân. Hãy dùng kéo rồi nhẹ nhàng cắt bỏ những nơi quần áo không dính vào da. Bạn không được dùng dầu mỡ, kem đánh răng hay đá để chườm vết bỏng. Bạn cũng không được dùng khăn mặt, khăn tắm có nhiều sợi nhỏ đắp lên vết thương, vì sẽ khiến các sợi vải dính vào da, làm vết thương nặng hơn, có thể gây nhiễm trùng.

Nếu nạn nhân lạnh, bạn có thể đắp chăn cho họ, nhưng cần tránh những chỗ bỏng.

5. Sơ cấp cứu bỏng do hóa chất

Bỏng do hóa chất có thể do các yếu tố sau gây ra: axit của pin xe ôtô, chất tẩy rửa, amoniac, chất tẩy rửa răng giả…

Ngay sau đó, bạn cần sơ cấp cứu bỏng do hóa chất bằng cách cho vết thương vào dưới vòi nước mát, chảy nhẹ trong khoảng 15-20 phút. Nếu bạn bị bỏng mắt do tiếp xúc với hóa chất, bạn hãy rửa mắt với nước liên tục trong vòng 20 phút. Sau đó bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Nếu quá đau, bạn có thể dùng thuốc aspirin trước khi đến bệnh viện. Song lưu ý không cho trẻ dưới 18 tuổi dùng thuốc này vì sẽ gây ra hội chứng Reye.

6. Cách sơ cứu khi bị bỏng dầu ăn

Việc nấu nướng hàng này sẽ khiến bạn dễ bị bỏng dầu ăn nếu dầu văng ra khi chiên rán. Ngay khi bị bỏng, cách sơ cứu khi bị bỏng dầu ăn là bạn cho vết thương vào ngay vòi nước đang xả nhẹ hoặc chậu nước mát và sạch. Cách này giúp làm dịu vết bỏng và khiến nó không lan rộng. Hãy xả cho tới khi bạn cảm thấy đỡ đau rát.

Sau đó bạn dùng nước muối sinh lý vệ sinh vết thương rồi dùng băng gạc vô khuẩn băng lại. Kế tiếp, bạn nên đến bệnh viện gần nhất để khám. Lưu ý không dùng đá chườm lên vết bỏng vì sẽ khiến tình trạng nặng hơn.

Bên cạnh đó, nếu vết bỏng nhẹ và đã được bác sĩ xử lý cẩn thận, bạn cũng có thể áp dụng các cách chữa bỏng tại nhà sau:

- Nha đam: Bạn lột vỏ lá nha đam, dùng phần gel mát bên trong đắp lên vết bỏng khoảng 20 phút để da dễ chịu hơn. Cách này cũng làm vết thương bớt khô ngứa, tránh bị sẹo.

- Mật ong: Mật ong có tính kháng khuẩn, trị sẹo, bạn có thể thoa lên hàng ngày, để khoảng 10 phút rồi sửa sạch.

- Nghệ: Bạn lấy nghệ tươi, cạo vỏ, rửa sạch, giã lấy nước, thoa lên vết bỏng khi đang hình thành da non. Cách này giúp vết thương sau khi lành không bị thâm và sẹo.

- Cây lá bỏng: Bạn lấy lá cây, rửa sạch, giã rồi đắp lên vết thương. Cách này giúp vết thương mau lành, không hình thành sẹo thâm.

- Khoai tây: Bạn cắt lát khoai tây đắp lên vết bỏng, sẽ giúp làm dịu và giảm khả năng phồng rộp.

Ngoài những lưu ý trên, bạn cần kiểm tra xem cơ thể có xuất hiện các chấn thương khác hay không. Với bất kỳ tình trạng bỏng nào, nếu quần áo dính vào vết bỏng, bạn cũng không được gỡ ra ngay. Bạn nên cẩn thận cắt xung quanh miếng vải bị dính vào vết bỏng. Cần cởi tất cả đồ trang sức, bởi chúng có thể khiến vết bỏng bị sưng tấy.

Điều trị tại nhà đối với các vết bỏng nhỏ

Khi bị bỏng do cháy nắng hoặc bỏng nhẹ, bạn có thể chữa trị ngay tại nhà:

  • Sử dụng khăn lạnh để chườm nên chỗ bị bỏng
  • Thường xuyên rửa vết bỏng bằng vòi hoa sen hoặc bằng nước lạnh
  • Thoa các loại kem dưỡng da chứa aloe vera (nha đam) vào vết bỏng để giảm đau và sưng tấy. Thoa kem có thành phần gồm 0,5% hydrocortisone vào khu vực bị bỏng cũng có thể giúp cho vết bỏng bớt đau rát. Lưu ý: Bạn không được sử dụng kem cho trẻ em dưới 2 tuổi trừ khi bạn được bác sĩ yêu cầu. Không sử dụng kem trong vùng trực tràng hoặc âm đạo của trẻ em dưới 12 tuổi trừ khi bác sĩ yêu cầu.

Trong quá trình chữa trị vết bỏng, bạn sẽ khó tránh khỏi lột da ở vết thương và có cảm giác ngứa da. Bạn không nên cạy miệng vết thương vì dễ làm hình thành sẹo.

II. Cách sơ cứu nạn nhân khi bị điện giật và cách phòng ngừa

1. Cách sơ cứu nạn nhân khi bị điện giật

- Khi phát hiện người bị điện giật, trước tiên cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi dòng điện bằng cách cắt cầu dao điện. Có thể dùng bất cứ một vật dụng gì khô nhưng không phải bằng kim loại để đẩy, tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. (Lưu ý: Không được dùng tay không mà nên mang găng tay cao su hay quấn bao nylon, vải khô, đi guốc dép khô hay đứng trên một tấm ván khô, dùng gậy gỗ khô để gạt dây điện ra)

- Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát.

- Kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách, áp má vào mũi nạn nhân và xem lồng ngực có di động hay không, hoặc dùng tay đặt vào động mạch hai bên cổ nạn nhân.

* Với nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu thở: tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ, cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã chết thì mới dừng lại.

+ Hô hấp nhân tạo: Nới rộng quần áo và dây thắt lưng, đệm dưới cổ cho đầu hơi ngửa ra sau để đảm bảo đường hô hấp được thông thoáng. Một tay bịt mũi nạn nhân, tay kia kéo hàm xuống dưới để miệng hở ra, ngậm chặt miệng nạn nhân rồi thổi liên tục 2 hơi đối với người lớn, một hơi đối với trẻ em dưới 8 tuổi, sau đó để lồng ngực tự xẹp xuống rồi lại thổi tiếp. Người lớn và trẻ em trên 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt 20 lần. Trẻ dưới 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt từ 20 - 30 lần

Nếu phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 5 lần ép tim lại thổi ngạt một lần.

+ Ép tim ngoài lồng ngực: Người tiến hành ép tim ngồi bên trái nạn nhân, hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với núm vú hoặc khoang liên sườn 4 - 5 bên ngực trái, từ từ ấn sâu xuống khoảng từ 1/3 cho đến một nửa bề dày lồng ngực, sau đó nới lỏng tay ra. Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, số lần ép tim trong một phút khoảng 100 lần. Trẻ dưới 1 tuổi, mỗi phút ép tim hơn 100 lần. Nếu phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 5 lần ép tim lại thổi ngạt một lần

+ Với nạn nhân còn tỉnh: Kiểm tra mức độ tổn thương ở các vị trí nặng hay nhẹ. Đặc biệt, kiểm tra tổn thương nguy hiểm trước như ở đốt sống cổ bởi những tổn thương này có thể gây liệt nếu không sơ cấp cứu kịp thời, sau đó tiến hành kiểm tra các bộ phận còn lại. Động viên, an ủi để nạn nhân yên tâm.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

* Những lưu ý khi sơ cứu người bị điện giật

- Tuyệt đối không để nạn nhân bị ngã và gây ra tổn thương nghiêm trọng hơn.

- Không được chạm vào nạn nhân khi chưa ngắt nguồn điện, không được dùng tay không để kéo nạn nhân ra khỏi nguồn điện vì có thể bạn sẽ bị điện giật.

- Phải giữ cho mình một tâm thái thật bình tĩnh, tránh hoảng loạn để đảm bảo sơ cứu an toàn cho nạn nhân

II. Cách phòng ngừa điện giật

    - Không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện ngang tầm tay trẻ em.

- Để phòng ngừa điện giật các gia đình thiết kế các ổ điện an toàn.

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, đảm bảo các thiết bị điện an toàn, không bị hở, mát.

- Khi sửa điện phải dùng găng tay, ủng, kìm, bút thử điện... cách điện, tuyệt đối không dùng tay không để nối và cắt điện.

- Không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện ngang tầm tay trẻ em.

- Không để trẻ em chơi đùa gần các thiết bị điện như ổ cắm điện, nồi cơm điện đang nấu, quạt điện...

- Người lớn không dùng điện để đánh cá, diệt chuột, chống trộm...

- Hãy thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị đã sử dụng trong một thời gian dài trong nhà bạn.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Minh
Nguồn:Trường THCS Đồng Tiến Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4
Hôm qua : 25
Tháng 04 : 619
Năm 2024 : 3.063